LẤY NÚT RÁY TAI CHO BÉ Ở BỆNH VIỆN TAI MŨI HỌNG

Như các thông tin trên mạng mình đọc được khi Chum còn nhỏ thì các chuyên gia hay khuyên là người lớn không nên tự ý lấy ráy tai cho bé vì có thể chẳng những không lấy ra được mà còn vô tình đưa ráy tai dồn về sâu hơn vô bên trong và xui xui còn nhỡ tay làm tổn thương ống tai hay màng nhĩ của con nữa. Họ còn bảo rằng ráy tai của bé có cơ chế tự đẩy ra ngoài và ba mẹ chỉ cần vệ sinh phía ngoài vành tai của con cho sạch là đủ. NHƯNG, các bạn cũng biết là không khí đô thị giờ ô nhiễm nhiều, cộng thêm việc các công trình cầu đường cứ thi công ở khắp nơi, bụi tung mịt mù, chưa kể từ khóa đang nổi lên những ngày đầu năm 2019 này là “bụi mịn” nữa, vậy thì thử hỏi làm sao tránh khỏi đất cát vô tai bé rồi tích tụ qua năm tháng. Theo mình biết thì ráy tai có 2 dạng là ướt và khô. Mình là thuộc dạng khô nên bé Chum nó di truyền từ mình đặc điểm này. Sau hơn 3 năm kể từ khi chào đời không được mẹ lấy đủ can đảm dùng tăm bông chọt vào tai ngoáy lần nào thì một hôm đi khám sức khỏe định kì, ba mẹ được bác sĩ cho hay hung tin là em Chum có nút ráy tai to đùng ở cả 2 bên rồi, phải đi bệnh viện gắp ra mới được.
Vấn đề là giờ đi bệnh viện nào đây? Sau khi cân nhắc đủ chỗ hết thì mình quyết định là vào đúng Bệnh Viện Tai Mũi Họng TPHCM 155 Trần Quốc Thảo, phường 9, quận 3, vì gần công ty mẹ, gần trường, gần nhà ngoại và nhất là lại chính xác chuyên khoa cần đến luôn.

Nhà mình tới đây vào lúc 3h30 chiều, rất vắng vẻ, bệnh viện mới xây nên mọi thứ tươm tất và gọn đẹp sáng sủa. Từ sân đi vào ngay phía trước cửa sẽ có quầy bán sổ khám bệnh và lấy số thứ tự cùng chỗ luôn. Cô trực quầy sẽ hỏi khám thường hay khám dịch vụ, mình chọn dịch vụ thì giá khám là 110k, Chum còn nhỏ nên số thứ tự sẽ có chữ “Khám ưu tiên”. Lấy sổ và số xong thì đi qua cửa vô bên trong có quầy thu ngân nộp sổ, đóng phí khám rồi lên lầu 3. Cũng không phải chờ đợi gì, vừa vào phòng khám chờ xíu là bác sĩ gọi tên vô soi tai, xác định bé cần lấy nút ráy tai là bác cho chỉ định nộp tiền làm thủ thuật liền. Chi phí cho tiểu phẩu này chỉ có 63k. Mình cứ tự tin là Chum vừa đi Nha Trang tắm biển về nên nước biển có muối vào đã làm mềm ráy tai kha khá rồi, lấy cũng không vất vả lắm. Ai dè trái ngược hoàn toàn. Ráy tai khô nén chặt lại thành 1 cái nút bám cứng ngắc sâu bên trong ống tai bé xíu của con, rất là khó gắp luôn. Sau 1 hồi vật lộn trong tiếng khóc thất thanh gào la (chẳng lạ gì) của Chum thì bác sĩ chỉ gắp được 1 ít vụn nhỏ, lực bất tòng tâm, đành kê toa thuốc về để mẹ nhỏ vào nút tai cho nó mềm ra và hẹn 3 ngày sau quay lại lấy tiếp.

Con mình lúc chiều thấy bác sĩ cầm cái đầu gắp nhọn hoắt với đủ thứ đồ nghề dây nhợ thì rất sợ hãi rồi nên dễ gì đụng được vô tai của chị ấy, tối về nhà cứ khóc cả đêm nói mẹ là con không quay lại đó nữa đâu, thương ghê. Thế là một mặt mình trấn an bé kèm theo nhỏ thuốc theo liều kê trên toa như bác sĩ dặn, mặt khác thì mình hứa với con là cả nhà sẽ không quay lại bệnh viện đó chừng nào Chum chưa sẵn sàng, chỉ ráng thòng thêm 1 câu hù nhẹ là cái cục nút tai đó dơ lắm đó, nó mắc kẹt ở trong tai con gây bít tắc viêm nhiễm nặng rồi nhiều khi bác sĩ kêu phải cắt bỏ tai là khỏi nghe nhạc được luôn. Tuy nhiên mình vẫn khẳng định chắc nịch là chừng nào con chưa sẵn sàng thì con cứ để cái cục đó ở trong tai, mẹ sẽ không ép Chum đi nếu con sợ và khóc la giãy giụa thì bác sĩ cũng đâu lấy ra dùm được.

Cũng cần phải nói thêm là chai thuốc nhỏ tai đó nó đặc sệt và trong suốt, khi nhỏ nó chảy vào tai chầm chậm, chảy tới đâu nghe rột rột tới đó rất khó chịu. Mình tự nhỏ vô tai mình để biết cảm giác trước khi nhỏ cho con rồi. Vì vậy mà Chum rất ghét mỗi lúc mẹ nhỏ thuốc, thế là tới ngày thứ 5 là em chịu hết nổi đã thỏ thẻ mà rằng “mẹ ơi con sẵn sàng quay lại bệnh viện rồi, con muốn bác sĩ lấy cái cục dơ đó ra hết cho con, con không giãy giụa khóc la nữa đâu, con sẽ biết hợp tác”. Ơn trời, được lời như cởi tấm lòng, thế là mẹ nói mai mẹ dẫn quay lại bệnh viện rồi lấy hết cục dơ khỏi 2 tai thì mẹ có quà thưởng cho Chum dũng cảm nha. Nàng rất khoái và kì này vô bệnh viện hăm hở hơn hẳn. Quy trình với tiền phí thì đóng y chang lần đầu, có điều do được nhỏ thuốc vào ráy tai đã thật sự mềm và bong ra nên chẳng cần dùng nhíp nhọn gắp như hôm trước mà bác sĩ chỉ cần đưa 1 cái ống nhỏ màu trắng vào tai, bật công tắc điện là nó hút 1 nùi ráy tai ra ngoài rất ngoạn mục và nhẹ nhàng. Hút ra cục nào bác cũng đưa Chum coi và khen con liền để ẻm yên tâm ngồi làm cho tới hết và cũng thấy được sự ghê rợn bên trong tai mà mẹ đã tả là có thiệt, hehe. Thế là sau 1 cơn sóng gió không đáng có của lần khám bệnh đầu tiên, cuối cùng thì nhà mình cũng giải quyết được cái vụ nút ráy tai của con 1 cách triệt để.

Mình xin truyền kinh nghiệm cho các bạn như sau:

  1. Mình rất hài lòng với dịch vụ của bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, nên nếu các bé nào có gặp vấn đề tương tự như con mình thì yên tâm đưa em đến đây là đúng chuyên khoa, làm việc hiệu quả nhanh chóng không đông đúc xô bồ mệt mỏi chút nào. Cả 2 lần nhà mình đều đến và về trong vòng 45′ cho tất cả các công đoạn.
  2. Đây là chai thuốc bác sĩ đã kê toa cho con mình, tên là GLYCERIN BORAT 3%, mua ở nhà thuốc bệnh viện chỉ có 8k/chai, tác dụng tuyệt vời.
    d5f39448cd05d1c43b11e4ea6c4e633d.jpg
  3. Trước khi đi khám, các bạn ở nhà nhỏ cái này cho con mỗi ngày 2 lần sáng và tối, mỗi lần 3 giọt cho 1 bên tai, chừng 4-5 ngày là nút ráy tai tự bong tróc và mềm ra hết, vào viện bác sĩ hút ra cực kì nhẹ nhàng nhanh chóng, đỡ mất công đi 2 lần và thêm mấy lít nước mắt cộng với sang chấn tâm lý mất mấy ngày như con bé nhà mình.
  4. Như đã nói ở trên, chai này chất sền sệt nhỏ vào tai cảm giác khó chịu vô cùng, phải thuyết phục bé cần hợp tác nằm yên tối thiểu 20′ mỗi bên tai để nó khỏi chảy ra ngoài cho đủ thời gian làm mềm ráy tai (có thể nhượng bộ cho bé nằm xem Youtube trên Ipad để quên đi). Glycerin Borat thì không thấm nên nhỏ vào sao là còn y nguyên đó. Vì vậy sau 20′ nằm giữ thuốc trong tai này, trước khi chuyển qua bên kia, ba mẹ chỉ cần lấy khăn giấy lau sạch cho con để khỏi dây thuốc dính ra nệm là được.
  5. Đừng có lầm tưởng như mình, NƯỚC MUỐI KHÔNG LÀM MỀM RÁY TAI được đâu nha các bạn, kể cả có là nước biển cũng vậy thôi.

Vài kinh nghiệm nhỏ chia sẻ cho các bạn thêm 1 bệnh viện chuyên khoa khác của thành phố mình về Tai-Mũi-Họng. Mình đã kiểm chứng và thấy đây là địa chỉ đáng tin cậy cho phụ huynh chúng ta khi bé có vấn đề gì cần đến. Từ giờ nhà mình sợ rồi chắc cũng tập tành lấy tăm bông đầu nhỏ (luôn có sẵn ở nhà) và bắt đầu ngoáy nhẹ sau khi tắm (hay bơi) 1 tuần 1 lần để ra bớt ráy tai vòng ngoài cho con, lỡ lại bị như tình trạng cũ tái diễn thì an ủi ít ra là cũng biết phải làm gì và đi đâu để giải quyết hiệu quả rồi đó.


Leave a comment